Tôi nghĩ mình nên được xem là một huyền thoại tiêu tiền cho những buổi ăn trưa. Trong suốt khoảng thời gian làm việc, chi phí cho bữa trưa mỗi tháng của tôi lên tới 500 bảng Anh và mỗi năm thì số tiền cho buổi ăn trưa đã đạt mốc hàng trăm nghìn bảng Anh. Điều đó cho thấy tôi thích những bữa trưa cùng đối tác đến mức nào.
Tôi luôn ủng hộ việc tổ chức bữa trưa của doanh nghiệp và buộc nhân viên phải rời khỏi văn phòng để đến các cơ sở ăn uống tuyệt vời. Không phải vì tôi là một gã đang kẹt túi trong những ngày tháng kinh doanh vừa qua. Cũng không phải vì tôi muốn ăn đồ sang uống rượu ngoại. Mặt khác tôi còn hiếm khi uống rượu vào giờ ăn trưa trừ khi có điều gì đó để ăn mừng. Đơn giản chỉ vì, tôi nghĩ buổi ăn trưa một cách tuyệt vời để hiểu rõ hơn về mọi người, khám phá những ý tưởng mới và giành được công việc kinh doanh mới.
“Luôn đề nghị trả tiền hoặc nếu bạn muốn gặp lần thứ hai, hãy đồng ý thực hiện lần tiếp theo. Và đừng tin bất cứ ai không có thời gian ăn trưa.”
– James Max –
Là một người làm việc tự do, các quyết định về nơi chốn hoặc số tiền chi tiêu đều do WWA (ví tiền của tôi và tôi luôn cân nhắc liệu bữa gặp mặt này có đáng giá hay không). Khi tôi bắt đầu làm việc, cấp trên luôn khuyến khích chúng tôi tích cực mở rộng mạng lưới của mình và có thể chi trả những buổi gặp mặt với đối tác bằng quỹ của công ty. Tuy nhiên thì ngày nay, các công ty thận trọng hơn rất nhiều trong việc chi tiêu nên tôi cũng không còn thẻ công ty để đốt nữa.
Trên thực tế thì chi phí dễ cắt giảm nhất đối với bất kỳ doanh nghiệp nào là chi phí cho ăn uống, hội họp. Ăn trưa với đồng nghiệp và dán hóa đơn vào quỹ công ty không phải là cách sử dụng tiền hiệu quả của công ty. Vì thế mà các công ty thường cung cấp dịch vụ ăn uống tại chỗ dành cho công nhân viên.
Vào những năm 1970 và 1980, thì dịch vụ ăn uống tại chỗ này đem lại lợi ích cho chính các ông chủ. Đặc biệt, các công ty hợp tác thường có phòng ăn dành cho “đối tác”, cung cấp bữa trưa phục vụ đầy đủ bằng bạc, với nhiều loại rượu vang hảo hạng để thưởng thức bất cứ món ngon nào mà đầu bếp đã tạo ra ngày hôm đó. Đến ngày nay, bữa trưa đã được dân chủ hóa hơn: nhiều công ty hàng đầu cung cấp cho tất cả nhân viên một loạt đồ ăn cao cấp, đó là cách mà các công ty giữ chân nhân sự tiềm năng, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và dịch vụ tài chính.
Gần đây thì tôi được mời đi ăn trưa tại trụ sở mới Battersea của Apple. Văn phòng của Apple cực kỳ mát mẻ, chật kín những người thông thạo về công nghệ cao. Bữa trưa được cung cấp cho nhân viên rất ngon miệng và bắt mắt. Điều đó có thể giải thích cho câu hỏi nếu bếp ăn công sở cung cấp món ăn ngon thì tại sao ta phải bận tâm để đi ăn ngoài.
Mà nhắc đến món ăn ngoài thì đối với tôi, các quán The Ivy, Sushi Samba, Smith & Wollensky hay The Ned là sự lựa chọn tốt nhất cho các buổi ăn trưa. Nếu hầu bao của bạn dư dả hơn thì chọn quán Sexy Fish tại Quảng trường Berkeley của Mayfair hoặc số 34 Mayfair ngay gần Quảng trường Grosvenor. Một nơi yêu thích khác của tôi là Arlington ở St James’s. Món ăn ngon, giá cả phải chăng và dịch vụ ăn uống cũng nhanh chóng. Nếu không uống rượu, bạn chỉ cần chi trả dưới 50 bảng Anh một người, bao gồm cả dịch vụ.
Ngoài ra, nếu muốn cuộc trò chuyện, đàm phán hợp đồng ở nơi yên tĩnh thì tôi sẽ chọn một nhà hàng địa phương hoặc nhà hàng lâu đời, chẳng hạn như Da Paolo gần Phố Goodge – một nhà hàng Ý chính thống, nằm khuất trong ngõ.
Tổng kết lại, dù bạn có làm gì thì bữa trưa cũng phải là một phần quan trọng trong việc xây dựng các mối quan hệ. Lời khuyên của tôi dành cho các bạn là hãy luôn đề nghị trả tiền nếu bạn muốn có buổi gặp gỡ lần thứ hai. Đặc biệt, đừng tin bất cứ ai không có thời gian ăn trưa. Nếu họ bận đến mức không thể rời xa công việc trong một hoặc hai giờ thì có lẽ họ cũng sẽ không có nhiều thời gian dành cho bạn.
Bài: Tô Thư